Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam.

Thông báo nêu rõ, từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Kết quả, đến cuối năm 2013: nhiều nhà máy điện, trạm biến áp 500 kV, 220 kV và 110 kV đã được kết nối SCADA về Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia; hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa cũng đã được kết nối với hầu hết các nhà máy điện và nhiều trạm biến áp truyền tải; các dự án SCADA, miniSCADA đang được triển khai sẽ góp phần nâng cao khả năng điều hành hệ thống điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, các Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực.
Một số dự án về phát triển lưới điện thông minh cũng đang được các đơn vị trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, thử nghiệm, trước khi xem xét, ứng dụng rộng rãi, bao gồm Dự án thử nghiệm Hệ thống đo đếm tiên tiến (AMI); Dự án thử nghiệm tích hợp các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo và Dự án thí điểm trạm biến áp, nhà máy điện điều khiển xa,…
Đẩy nhanh quá trình phát triển lưới điện thông minh
Để quá trình phát triển lưới điện thông minh theo đúng tiến độ được phê duyệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của ngành điện lực Việt Nam.

Trên cơ sở các tiêu chí đề ra, Ban Chỉ đạo phát triển lưới điện thông minh cần công bố cho các khách hàng sử dụng điện biết, tổ chức tuyên truyền để người dân, các doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích thu được, từ đó tích cực hợp tác để đẩy nhanh quá trình phát triển lưới điện thông minh.

Bộ Công Thương hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam, bao gồm các đề án: Nghiên cứu phát triển hệ thống SCADA trong hệ thống điện Việt Nam; Nghiên cứu phát triển công tơ điện tử và hệ thống thu thập dữ liệu đo đếm từ xa; Nghiên cứu mô hình tổ chức các trung tâm điều khiển đóng cắt thiết bị từ xa cho lưới điện của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực.

Đồng thời khẩn trương phê duyệt hoặc thông qua việc bổ sung, sửa đổi các quy định, quy trình, quy phạm,… áp dụng cho các công trình điện áp dụng công nghệ mới (hệ thống tự động hóa, điều khiển từ xa đối với trạm biến áp và nhà máy điện; vận hành và xử lý sự cố đối với trạm biến áp và nhà máy điện điều khiển từ xa, trạm biến áp không người trực,…), tạo cơ sở pháp lý khi đưa các công trình này vào vận hành.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế tài chính cho phát triển lưới điện thông minh và cơ chế tài chính khuyến khích đối với khách hàng tham gia chương trình quản lý phụ tải.

Tập Đoàn điện lực Việt Nam phát triển hệ thống đường truyền và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác điều độ, vận hành và bảo vệ hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu vận hành tin cậy, linh hoạt, bảo đảm an ninh, an toàn cung cấp điện.

Related Post

11-04-2017 / admin

Đây là đường dây 500kV mạch kép (2 mạch) có chiều dài 139km từ Trạm biến áp 500kV Quảng Ninh đến Trạm biến áp 500kV Hiệp Hòa, đi qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Đường dây 500kV Quảng Ninh-Hiệp Hòa là dự án năng lượng cấp I, có tổng […]

11-04-2017 / admin

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức “Hội nghị APEC về Thúc đẩy Chuỗi cung ứng về Năng lượng mặt trời” trong hai ngày 31 tháng 7 và 01 tháng 8 […]

11-04-2017 / admin

Lưới điện phân phối tại Hà Nội tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu dân cư và bám theo các trục đường giao thông nên thường xuyên bị nhiễm bẩn. Nếu không vệ sinh kịp thời sẽ có  nguy cơ phóng điện, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, tăng tổn hao […]