Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với Ban thư ký APEC tổ chức “Hội nghị APEC về Thúc đẩy Chuỗi cung ứng về Năng lượng mặt trời” trong hai ngày 31 tháng 7 và 01 tháng 8 năm 2014 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự tích cực của nhiều diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng; đại biểu từ các nền kinh tế thành viên APEC; đại diện các Bộ, ngành, viện nghiên cứu, hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế về năng lượng, cũng như đại diện giới doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực quan trọng này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đã tới phát biểu khai mạc và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh an ninh năng lượng đang được coi là một trong những ưu tiên và mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Thời gian qua, kinh tế khu vực và thế giới đã và đang phải hứng chịu nhiều biến động, từ kinh tế, chính trị cho đến các thảm họa thiên nhiên, v.v… Đặc biệt, thảm họa thiên nhiên đã và đang liên tiếp xảy ra là một trong những hệ lụy rõ ràng của việc con người khai thác một cách quá đà các nguồn năng lượng không có khả năng tái tạo. Vì vậy, việc tăng cường khai thác và tận dụng triệt để các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, v.v… là hết sức cần thiết, nhằm hạn chế việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên không thể tái sinh, đồng thời bảo đảm nguồn cung năng lượng đầy đủ cho sự vận hành trơn tru của nền kinh tế và phát triển công nghiệp nhằm duy trì sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các thành viên APEC.
Phát triển năng lượng bền vững trong đó, bao gồm năng lượng tái tạo là một trong những ưu tiên của các Nhà Lãnh đạo và Bộ trưởng APEC trong những năm qua. Năm 2012, các Nhà Lãnh đạo APEC đặt mục tiêu giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong khu vực thêm 45% vào năm 2035, cũng như đẩy nhanh giai đoạn phấn đấu giúp các thành viên APEC trở thành nền kinh tế các-bon thấp. Thời gian qua, các chương trình hợp tác APEC về năng lượng ngày càng đa dạng, sôi động, thiết thực và được ưu tiên.
Trong bối cảnh đó, năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng thay thế tiềm năng, góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung năng lượng, duy trì sự ổn định và phát triển bền vững cho các nền kinh tế. Tại Hội nghị, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam cùng nhiều đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, cập nhật thông tin, kinh nghiệm về nhiều khía cạnh: xu hướng sản xuất và cung ứng tấm thu năng lượng mặt trời, xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời; trao đổi về cơ hội và khó khăn, thách thức đối với việc phát triển năng lượng mặt trời trên diện rộng, đưa ra khuyến nghị để giải quyết các thách thức trong thời gian tới. Hội nghị cũng là cơ hội tốt để các thành viên APEC trao đổi, xem xét cơ hội cùng nhau hợp tác để thúc đẩy chuỗi cung ứng năng lượng mặt trời trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như nâng cao hoạt động xây dựng năng lực cho các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình phát triển nguồn năng lượng mặt trời một cách hiệu quả.
Kết quả thảo luận và khuyến nghị của Hội nghị sẽ được trình Nhóm Công tác APEC về Năng lượng và các Hội nghị cấp SOM và cấp Bộ trưởng có liên quan của APEC nhằm thảo luận và xây dựng định hướng hợp tác mới trong thời gian sắp tới đối với lĩnh vực quan trọng này.

Bài viết liên quan

11-04-2017 / admin

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng đề án tổng thể phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam. Thông báo nêu rõ, từ cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển lưới […]

11-04-2017 / admin

Đoàn thanh niên Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) phối hợp với trường THCS Bế Văn Đàn, quận Đống Đa tổ chức tuyên truyền tiết kiệm điện cho 1.155  học sinh của trường thông qua các trò chơi đố vui. Với mục đích nâng cao nhận thức cho các em học […]

11-04-2017 / admin

Lưới điện phân phối tại Hà Nội tập trung chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu dân cư và bám theo các trục đường giao thông nên thường xuyên bị nhiễm bẩn. Nếu không vệ sinh kịp thời sẽ có  nguy cơ phóng điện, ngắn mạch, gây sự cố đường dây, tăng tổn hao […]